Táo bón – căn bệnh của thời đại

Táo bón đặc biệt nguy hiểm với người cao tuổi, bệnh nhân cao huyết áp, bệnh tim mạch vì có thể làm tăng nguy cơ bị tắc mạch máu não hoặc xuất huyết não.

Dấu hiệu của táo bón

Táo bón hiện là một trong những rối loạn tiêu hóa phổ biến, nguyên nhân là do chế độ ăn thiếu khoa học và thiếu vận động. Táo bón cũng trở thành một trong những căn bệnh thời đại công nghiệp, khi mà quỹ thời gian của mỗi người ngày càng eo hẹp, người ta vội vã với những bữa ăn nhanh, giàu năng lượng nhưng thiếu chất xơ trong khi cơ hội vận động lại hạn chế.

Triệu chứng của táo bón là số lần đi tiêu ít hơn 3 lần trong tuần hoặc phân khô và cứng. Người bị táo bón thường gặp khó khăn, bị đau khi đi tiêu và cũng giống như các rối loạn khác, táo bón gây cảm giác khó chịu, đầy bụng, mắc ói, chán ăn và mệt mỏi toàn thân.Có rất nhiều người cho rằng bình thường cần phải đi tiêu mỗi ngày, thực tế không có một tần suất chuẩn cho vấn đề này. Một hệ tiêu hóa bình thường có thể có số lần đi tiêu từ 3 lần/ ngày tới 3 lần/ tuần với tính chất phân mềm hoặc chặt hơn tuỳ thuộc vào mỗi người.

Đối với phần lớn trường hợp, táo bón chỉ là triệu chứng thoáng qua và không nghiêm trọng lắm. Tuy nhiên, táo bón kéo dài không chỉ làm cho người bệnh đau đớn và khó chịu mà còn làm tăng nguy cơ ung thư trực tràng, trĩ, viêm ruột thừa,….

Ai dễ bị táo bón?

Trẻ nhỏ bị táo bón rất nhiều làm các bà mẹ lo lắng. Có trẻ ba bốn ngày chưa đi cầu, cũng có trẻ đau bụng, đỏ mặt lên rặn mà chỉ ra được vài cục phân nhỏ như viên bi và cứng ngắc. Đó là do trẻ nhỏ thường được nuôi dưỡng bằng nhiều chất bổ dưỡng như thịt, cá, trứng, tôm, cua,…, ít chất xơ (có trong rau, trái cây).

Nhiều khi còn là do cơ thể bé không được cung cấp đủ lượng nước cần thiết vì người lớn thường ít quan tâm đến nhu cầu nước uống của con trẻ. Về phần mình thì bé lại thường mải chơi quên cả uống nước trong khi lại mất rất nhiều nước qua mồ hôi do hoạt động nhiều.

Phụ nữ mang thai bị táo bón thường là do thay đổi nội tiết và do thai nhi đè lên ruột già làm ảnh hưởng tới việc đi tiêu.

Người cao tuổi ít hoạt động, ngại ăn các thức ăn nhiều chất xơ vì răng đã yếu và rụng dần, uống ít nước do giảm cảm giác khát nước, sự co cơ suy giảm,… nên càng già tỷ lệ bị táo bón càng cao. Số người 75 tuổi bị táo bón cao gấp đôi số người 65 tuổi và gấp 4 lần số người 60 tuổi. Trong số này thì phụ nữ lại dễ bị táo bón hơn nam giới.

Tỷ lệ bị táo bón ở người trẻ tuổi tương đối thấp (4% so với 19% tuổi trung niên và 30% ở người cao tuổi). Đó là do tuổi này hoạt động nhiều và dễ ăn uống. Tuy nhiên cũng có một số người bị táo bón vì thực đơn thường thiếu chất xơ. Ví dụ là những người độc thân quanh năm suốt tháng ăn cơm hàng quán. Các loại như trà, cà phê, một số nước giải khát, …là những loại “nước gây táo bón”. Các chất tanin có trong trà, cafein trong cà phê và một số nước giải khát làm tăng hấp thu nước tại ruột làm phân trở nên khô, cứng hơn.

Có nhiều ngành nghề được gọi là nhạy cảm với táo bón. Nghề làm lãnh đạo, quản lý, thương nhân,..thường phải làm việc trên bàn nhậu với vô số “đồ bổ” nhiều chất đạm, chất béo mà ít chất xơ, với các loại rượu, bia, và các nước giải khát “gây táo bón”.

Những người làm việc nhiều ngoài trời nắng như thợ làm đường, thợ hồ,… cũng dễ bị táo bón do mất nước qua mồ hôi.

Một số người làm thợ may, nhân viên vi tính, lái xe,… phải ngồi lâu, bất động có thể làm giảm cảm giác mót đi cầu, phân tiếp tục mất nước trở nên khô và rắn. Giáo viên, lái xe,.. thường hay phải nhịn khi có nhu cầu đi tiêu. Lâu ngày, phân ở cuối ruột già tích lại làm giãn ruột ở đây. Cảm giác mót đi cầu mất đi, khi cần thì khối phân không thể lọt qua hậu môn thế là bị táo bón.

Táo bón – chớ coi thường

Dù bất cứ nguyên nhân nào gây nên táo bón thì chỉ trong một thời gian sẽ làm người bệnh mệt mỏi, uể oải, lờ đờ, khó chịu bực bội trong người, ăn ngủ không ngon, sức khỏe sa sút,… Đó là do phân và khí đọng lại trong ruột, không bài tiết qua ngả hậu môn được làm đầy bụng, khó chịu, buồn nôn,…

Đứa trẻ bị táo bón thường kèm theo biếng ăn vì không cảm thấy đói, người lớn không muốn ăn vì ăn vào càng thấy tức bụng, khó chịu. Phân tồn trữ lâu ngày ở ruột có thể gây trướng bụng hoặc tắc nghẹt ruột do phân, làm cho tình hình càng thêm xấu.

Lại phải kể đến các chất độc như phenol, ammonia, indol,… trong phân được tạo ra do trong quá trình thức ăn được tiêu hóa và bị phân hủy bởi các vi khuẩn yếm khí. Một khi bị tích tụ lâu trong ruột, các chất này được hấp thu vào máu rồi lan truyền khắp cơ thể dẫn đến tình trạng bị nhiễm độc mãn tính. Nói rằng táo bón chính là tự đầu độc mình quả là không sai.

Phân trong ruột và các chất độc nhiễm vào máu còn gây nên tình trạng kích thích thần kinh làm ảnh hưởng tới tâm tính và tinh thần người bệnh khiến cho lúc nào cũng cảm thấy bực bội, khó chịu vô cớ chỉ chờ cơ hội là bùng nổ. Nhiễm độc mãn tính còn làm cho nước da người bệnh trở nên xanh, môi tái, móng tay lợt. Thật đáng tiếc cho chị em vì táo bón lâu ngày mà làm mất dần đi vẻ đẹp của da.

Táo bón thường làm cho người già hoặc người có sức khỏe yếu càng thêm yếu và làm cho bệnh tình của người mắc các bệnh mãn tính thêm nặng.

Táo bón được coi là nguyên nhân của bệnh trĩ và sa trực tràng. Táo bón lâu ngày khiến phân trở lên khô cứng quá đáng làm cho vòng thắt ở hậu môn không thể đẩy phân qua được. Nếu cố gắng rặn thì sẽ bị rách hậu môn, chảy máu, lòi trê,…

Người bị táo bón, khi đi cầu phải dùng sức để rặn làm tăng áp lực máu. Đối với người cao tuổi, bệnh nhân cao huyết áp, bệnh tim mạch thì táo bón rất nguy hiểm vì có thể làm tăng nguy cơ bị tắc mạch máu não hoặc xuất huyết não.

Táo bón lâu ngày có thể gây nên ung thư trực tràng. Phân táo bón thường có đậm độ độc tố và chất gây ung thư như deoxycholic acid, lithocholic acid và các phức hợp nitroso (NOCs) nhiều hơn so với phân của người bình thường do tính chất khô và cứng. Hơn nữa phân bị tồn đọng lâu trong trực tràng làm tăng thời gian tiếp xúc với niêm mạc của trực tràng nên dễ gây ung thư.

Khi phân nằm lâu trong ruột, nước trong phân còn rỉ ướt quanh cục phân làm són nước phân ra ngoài một cách không tự chủ khiến lầm tưởng với tiêu chảy hoặc đứa trẻ dễ bị cha mẹ la mắng là mải chơi mà ỉa đùn.

Táo bón dài ngày làm cho ruột già bị suy yếu, dãn ra và có nguy cơ thủng ruột. Táo bón cũng làm tăng áp lực trong ruột khiến cho người bệnh còn dễ bị mắc các bệnh về ruột thừa.

Theo Sức khỏe đời sống